Other

Những điều wedding photographer muốn bạn hiểu nhưng không thể nói

Hầu hết các studio sẽ đều lên cho bạn một list những câu hỏi nhàm chán như “Bạn thích phong cách nào?”, “Bạn thích màu ảnh như thế nào?” hoặc “Bạn có cần chúng tôi sử dụng máy cao cấp hơn để chụp không?”Những câu hỏi này, trên thực tế là ngoài tầm hiểu biết của những khách hàng chụp ảnh cưới thông thường,  thậm chí nó không giúp cho bạn ra quyết định một cách nhanh hay chính xác hơn cho lựa chọn của mình. Bên cạnh đó cũng có 1 số điều không phải khách hàng nào cũng hiểu nếu như họ không làm việc trong những ngành nghệ thuật có liên quan.

Vậy nên, Louis Wu Studio sẽ giúp bạn lên 1 list những mong muốn của những wedding photogrpher  để bạn có thể hiểu hơn khi chọn nhiếp ảnh gia cho lễ cưới của mình !

1. Làm thế nào để tôi chọn một nhiếp ảnh gia giỏi khi có hàng trăm người được liệt kê trong danh sách tìm kiếm của tôi?

Đầu tiên, hãy tìm  cho mình  một Facebook, website hoặc blog thu hút bạn. Thậm chí, khi bạn là một cặp đôi “bất bình thường”, bạn cũng không cần phải quá lo lắng vì điều này. Hầu hết các nhiếp ảnh gia đều có riêng cho mình một blog, website hay Facebook, bạn chỉ cần tìm đúng những người có phong cách chụp hình như mình muốn. Liên  hệ và nói qua về trường hợp của mình nếu như bạn còn ngại ngùng vì mối quan hệ giữa mình và bạn đời là đồng tính – những nhiếp ảnh gia sẽ biết trước được điều này qua mạng và không còn quá ngỡ ngàng khi gặp mặt.

Khi bạn đã có một vài nhiếp ảnh gia yêu thích, hãy bắt đầu chọn lọc kỹ hơn thông qua những tiêu chuẩn về giá cả, cách làm việc có phù hợp với mình hay không?… và lên kế hoạch gặp những người mà bạn thực sự muốn hợp tác. Bạn phải thích, tin tưởng và hòa đồng với nhiếp ảnh gia của mình – theo cách đó bạn có thể tạo nên sự kỳ diệu cho bộ ảnh cưới của mình khi sự ăn ý giữa bạn và nhiếp ảnh gia là rất tốt. Bạn cảm thấy thoải mái, hài lòng khi làm việc cùng họ, bởi vì bạn sẽ phải dành rất nhiều thời gian của mình cùng nhiếp ảnh gia để chuẩn bị cho bộ hình của mình.

Đừng vì tin hẳn vào lời giới thiệu của bạn bè hoặc bị danh tiếng của nhiếp ảnh gia ấy mà trở nên vội vàng. Bạn hãy tin bạn và đặt hết niềm tin vào nhiếp ảnh gia mà bạn đã chọn thì kết quả bộ ảnh sẽ hơn cả mong đợi.

2. Bao lâu thì mình có thể nhận được hình?

Bạn sẽ cần phải biết rõ được số lượng file ảnh gốc mình nhận được và file ảnh được các nhiếp ảnh gia xử lý mọi thứ bằng photoshop là bao nhiêu. Nếu có thể hãy hỏi luôn khoảng thời gian sớm nhất mà nhiếp ảnh gia sẽ trả ảnh cho bạn. Vì có một sự thực là các nhiếp ảnh gia có thời lượng đi chụp rất lớn nên thường sẽ hay “quên” mất những khách hàng cũ của mình và thậm chí phải vài tháng sau nếu bạn không đòi, nhiếp ảnh gia mới nhớ ra và gửi lại ảnh cho bạn! Hãy nhắc nhở họ một cách khéo léo, nhẹ nhàng và “dễ thương”, vì bạn nên nhớ họ cũng là những “đầu bếp” đang “chế biến” album cưới cho bạn, đừng để “món ăn” trở nên không hấp dẫn vì những hiểu lầm không đáng có!

3. Hãy nói với nhiếp ảnh gia những điều bạn mong muốn, đừng ngại! 

Về kỹ thuật, mỗi loại ống kính khác nhau sẽ cho ra những tấm ảnh khác nhau. Vì vậy, nếu như bạn muốn có thật nhiều bức ảnh chụp chân dung, hoặc toàn cảnh, hoặc xóa phông, hãy nói trước và thảo luận cùng nhiếp ảnh gia để anh ấy có thể chuẩn bị những ống kính phù hợp nhất hoặc lên kế hoạch trong đầu để chụp theo những mong muốn của bạn.

4. Tôi thích hình ảnh trong album như màu máy film, nhưng cũng thích vài tấm màu trong hiện đại và 1 ít màu nhạt nhạt kiểu Hàn Quốc. Vậy phải làm sao? 

Mỗi nhiếp ảnh gia có một cách chỉnh sửa hình ảnh khác nhau bằng phần mềm máy tính. Phần này gọi là hậu kỳ. Các nhiếp ảnh gia sẽ chỉnh sửa ánh sáng, màu sắc, thêm các hiệu ứng để cho ra những cái nhìn độc đáo và khác biệt của các tấm hình. Một số phong cách phổ biến hiện nay là:

Màu trong: xử lý nhẹ nhàng giữ lại màu sắc gần nhất với thực tế (Ảnh LouisWu chụp năm 2017)
Màu cổ điển : 1 tấm hình low contrast với gam màu pastel hoặc saphia, thêm noise tương tự như phim cổ điển (Ảnh LouisWu chụp Tú Vy – Lê Văn Anh năm 2012)
Màu kiểu Hàn Quốc hoặc Nhật: màu ảnh sẽ nhạt nhạt và hơi sáng hơn bình thường (Ảnh LouisWu chụp Tô Uyên Khánh Ngọc năm 2014)
Màu  high-contrast: tone màu đậm, độ tương phải cao và  thiên về ám vàng hoặc xanh như trong các bộ phim Mỹ (ảnh LouisWu chụp Hồ Ngọc Hà năm 2011)

Mỗi nhiếp ảnh gia sẽ có 1 phong cách hậu kỳ làm nên màu sắc tác phẩm của mình, bạn hãy nên nghiên cứu kỹ phong cách của họ và đừng bắt họ làm theo những gì bạn thấy đẹp được giống ảnh bạn lưu về từ Instagram, Pinterest hay Google. Họ có thể không làm theo ý bạn hoặc nếu chiều theo bạn thì sẽ không đẹp vì đó không phải sở trường của họ và họ làm chỉ vì bạn yêu cầu chứ không thích thú gì!

5. Tại sao chụp ảnh cưới lại đắt đến thế?

Đây là câu hỏi tôi thấy nhiều nhất từ các cô dâu trên các internet. Mọi người thường nghĩ việc chụp trong một ngày, nhận tiền luôn là đơn  giản và sẽ nhẩm tính xem nhiếp ảnh gia sẽ kiếm được bao nhiêu mỗi tháng ngay tại lúc đó. Nhưng nên nhớ, phần hậu kỳ không hề đơn giản. Mỗi nhiếp ảnh gia đều phải mất vài ngày đến vài tuần để chỉnh sửa và đảm bảo sự chỉn chu cho mỗi bộ hình. Chưa kể đến chi phí máy móc, ống kính, tiền sửa chữa đắt đỏ…Thêm bảo hiểm, thuế, phần mềm, quảng cáo, album, sửa chữa, vận chuyển và chi phí studio… Thực tế mà nói, trong vài năm đầu tiên của sự nghiệp, nhiếp ảnh gia cũng không hề dư dả gì.

6. Làm thế nào tôi có thể chắc chắn rằng tôi trông đẹp trong ảnh của tôi?

Câu trả lời duy nhất: hãy thư giãn. Tin tưởng nhiếp ảnh gia mà bạn đã chọn. Nếu bạn đang thư giãn, nghỉ ngơi, tinh thần đó sẽ xuất hiện trong ảnh và bạn sẽ chính là bạn. Giữ cho mình một vóc dáng và thần thái tốt nhất, lựa chọn một makeup artist phù hợp, bạn sẽ trở nên đẹp nhất trong bộ hình cưới của mình.

7. Tôi nên có càng nhiều nhiếp ảnh gia trong ngày cưới thì sẽ càng có nhiều ảnh đẹp!

Đây thực sự là 1 sai lầm, nhiều nhiếp ảnh gia trong 1 tiệc cưới chỉ làm rối loạn lên mọi thứ. Họ sẽ che khuất tầm nhìn của khách, chưa kể người này sẽ hạn chế góc chụp của người kia hoặc dính nhiếp ảnh gia khác vào trong khung hình. Chỉ nên cần 2 nhiếp ảnh gia trong 1 tiệc cưới, vậy là đủ!

Nhiều nhiếp ảnh gia hàng đầu chỉ làm việc với các trợ lý để mang theo thiết bị hoặc 1 tay máy phụ. Điều tốt nhất là bạn nên làm việc trước với nhiếp ảnh gia của mình để xem xét lại cách làm việc và đi đến kết luận để phù hợp với cả đôi bên.

Nếu có thêm đội ngũ quay phim phóng sự hoặc quay phim truyền thống, nên bàn bạc kỹ với họ về cách họ làm việc để tránh ảnh hưởng đến nhau cũng như ảnh hưởng đến những người tham dự bên dưới.

Phải nhắc thêm rằng những khách mời trong tiệc cưới sử dụng smartphone để chụp hoặc quay lại cũng là điều cực kỳ phiền toái đối với các photographer trong quá trình tác nghiệp.

8. Nhiếp ảnh gia có thể thay đổi mọi thứ bằng Photoshop

Đương nhiên nhiếp ảnh gia sẽ có kỹ năng photoshop nhiều thứ, nhưng đừng nhầm lẫn họ với một graphic designer, việc chỉnh sửa những chi tiết quá cầu kỳ, thêm nếm nọ kia là việc rất mất thời gian. Các nhiếp ảnh gia sẽ chỉ thường retouch và blend màu, đôi lúc sẽ xóa đi một vài điểm bất thường của khung cảnh, giúp đỡ cho đôi chân của cô dâu, chiếc bụng béo của chú rể… Còn nếu phải sử dụng đến những kỹ năng khó hơn, đương nhiên bạn sẽ phải trả thêm chi phí cho họ. Những trường hợp chúng tôi thường gặp gây khá nhiều khó khăn như: “Áo mình hơi nhăn, bạn có thể ủi nó thẳng trên Photoshop được không?” hoặc “Ông xã tôi đang niềng răng, bạn có thể xoá chúng hoặc ghép bộ răng khác vào không?”

Ảnh cưới khác với ảnh quảng cáo hoặc ảnh thời trang, bạn không nên quá lạm dụng Photoshop, điều đó sẽ làm bộ ảnh mất đi tính chân thật và sự tự nhiên. Bạn nên hiểu rằng nhiếp ảnh gia đám cưới là người suy nghĩ sao cho góc máy đẹp, ấn tượng và quan trọng phần cảm xúc của tấm ảnh chứ không phải dành thời gian chú tâm Photoshop nó sao cho đẹp.

9. Tôi có nên “tip” cho nhiếp ảnh gia của tôi?

Đây không nên là câu hỏi, mà hãy là một hành động. Việc tip là nằm ngoài hợp đồng dịch vụ. Tuy nhiên, nếu bạn hài lòng và thoải mái với những gì mà nhiếp ảnh gia đem lại, hãy tip cho họ một chút. Chúng ta nên hiểu rằng “tip” là 1 hành động cảm ơn, nó không phải bằng tiền mà có thể là 1 email, 1 status dễ thương trên FB, 1 tấm thiệp bày tỏ cảm nhận của mình trong buổi chụp.

Nhiếp ảnh gia không thực sự cần đến điều này, nhưng đó là tín hiệu cho việc bạn cảm thấy thích thú và cảm kích những tác phẩm của họ. Và anh ấy chắc chắn sẽ cảm nhận được điều này. Đây mới là điều khiến cho một nhiếp ảnh gia thấy vui !

 

Hy vọng rằng những điều này sẽ làm sáng tỏ một số “tâm sự thầm kín” của chúng tôi – và làm cho bạn dễ dàng hơn một chút trong việc tìm ra nhiếp ảnh gia hoàn hảo cho ngày cưới của mình.

 
                                                                                                                      Louis Wu team.

Trả lời